7 Nhóm Năng Lực Công Nghệ Số Bạn Trẻ Cần Được Trang Bị

Trang bị 7 nhóm năng lực công nghệ số này sẽ giúp các bạn trẻ nâng cao năng lực cạnh tranh, đi tới thành công. 

Nhu cầu về năng lực công nghệ số

Nhân loại đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 – kỷ nguyên của chuyển đổi số. Quá trình này đang làm thay đổi mọi mặt trong đời sống xã hội của con người, từ cuộc sống cá nhân, hoạt động học tập đến sản xuất kinh doanh, chính trị xã hội. Nhiều nghiên cứu cho thấy năng lực số mang lại cơ hội lớn cho việc mở rộng cũng như tái định nghĩa lại các thị trường kinh doanh… Song song với đó các tổ chức, doanh nghiệp cũng đặt ra yêu cầu ngày càng cao về năng lực công nghệ số với nhân sự, đặc biệt là thế hệ trẻ…

Báo cáo của nhà nghiên cứu L. Pangrazio khảo sát về năng lực của người trẻ trong kỷ nguyên số chỉ ra rằng, nhu cầu của nhà tuyển dụng về các kỹ năng số đã tăng 200% trong 3 năm vừa qua và trong vòng 5 năm tới, con số này được dự báo còn tăng hơn nữa. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là những người trẻ dù được sinh ra trong môi trường bao quanh bởi công nghệ số, nhưng phần lớn vẫn chưa sẵn sàng với những thay đổi đó [1]. Trong khi đó, báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế về chuyển đổi số ở các nước ASEAN cho thấy, Việt Nam là nước bị ảnh hưởng nhất trong khối ASEAN về lao động việc làm do chuyển đổi số với 70% người lao động ở các ngành nghề cơ bản bị ảnh hưởng [2].

Phát triển nhóm năng lực công nghệ số cho giới trẻ

Với sự phát triển chóng mặt của công nghệ số như hiện nay, việc phát triển kỹ năng và kiến thức của người học trong lĩnh vực này là điều tối quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng tìm kiếm việc làm cho giới trẻ.

Báo cáo về chuyển đổi số ở các nước ASEAN đã khẳng định rằng, các chính phủ cần hành động để thích ứng với những tác động từ chuyển đổi số đến nền kinh tế, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến giáo dục, đào tạo năng lực số nhằm đáp ứng những thay đổi trong nhu cầu về nhân lực của các tổ chức, doanh nghiệp [2]. Việc này đồng thời cũng yêu cầu cần có sự chủ động của mỗi người.

Năng lực số là gì?

Có nhiều định nghĩa và tranh cãi về khái niệm năng lực số. Tuy nhiên, tựu trung lại, các nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng có một khối lượng thông tin khổng lồ đang tồn tại dưới dạng số và người học cần có tư duy phản biện, khả năng nghi ngờ hợp lý, để đánh giá chúng và nắm bắt được cách thức sử dụng các công cụ số trong chia sẻ thông tin phục vụ nghiên cứu và biểu đạt chính bản thân mình.

Vì vậy, năng lực số được xem là yếu tố sống còn để đạt đến thành công trong học tập, nghiên cứu và phát triển sự nghiệp trong tương lai [7]: đa phần vị trí việc làm sẽ được số hóa, khả năng sử dụng công nghệ số là đòi hỏi của hầu hết mọi ngành nghề, các ngành công nghiệp số trở thành nhân tố then chốt của nền kinh tế, các cơ sở giáo dục trở thành những mô hình doanh nghiệp số, giảng viên và sinh viên phải là những người tận dụng được các lợi ích của công nghệ, đồng thời hỗ trợ cộng đồng và thúc đẩy khả năng đổi mới, sáng tạo của các thế hệ kế tiếp.

UNESCO định nghĩa năng lực số

Là khả năng truy cập, quản lý, hiểu, kết hợp, giao tiếp, đánh giá và sáng tạo thông tin một cách an toàn và phù hợp thông qua công nghệ số để phục vụ cho các công việc từ đơn giản đến phức tạp cũng như khởi nghiệp. Năng lực số là tổng hợp của năng lực sử dụng máy tính, năng lực công nghệ thông tin, năng lực thông tin và năng lực truyền thông [5]. Đây cũng là định nghĩa chính được sử dụng làm nền tảng định hướng cho phát triển KNLS trong khuôn khổ nghiên cứu này.

Khung năng lực số- 7 nhóm năng lực công nghệ số bạn trẻ cần được trang bị

Trên cơ sở so sánh các khung năng lực số (KNLS) quốc tế, đồng thời tham khảo cách tiếp cận của Facebook trong các khóa học “Tư duy thời đại số” (We Think Digital)… các giảng viên, nghiên cứu sinh Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã đề xuất một mô hình KNLS gồm 7 nhóm năng lực như hình sau: 

STT Nhóm năng lực Mô tả năng lực
1 Vận hành thiết bị và phần mềm Nhận biết, lựa chọn và sử dụng các thiết bị phần cứng và ứng dụng phần mềm để nhận diện, xử lý dữ liệu, thông tin số trong giải quyết vấn đề.
2 Khai thác thông tin và dữ liệu Nhận diện được nhu cầu thông tin của cá nhân; triển khai các chiến lược tìm tin, định vị và truy cập được thông tin; đánh giá các nguồn tin và nội dung của chúng; lưu trữ, quản lý và tổ chức thông tin; sử dụng thông tin phù hợp với đạo đức và pháp luật.
3 Giao tiếp và hợp tác trong môi trường số Tương tác và giao tiếp thông qua công nghệ số và thực hành vai trò công dân số. Quản lý định danh và uy tín số của bản thân trong môi trường số. Sử dụng công cụ và công nghệ số để hợp tác, cùng thiết kế, tạo lập các nguồn tin và tri thức.
4 An toàn và an sinh số Bảo vệ các thiết bị, nội dung, dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư trong môi trường số. Bảo vệ sức khỏe và tinh thần. Nhận thức về tác động của công nghệ số đối với hạnh phúc xã hội và hòa nhập xã hội. Nhận thức về ảnh hưởng của công nghệ số và việc sử dụng chúng đối với môi trường.
5 Sáng tạo nội dung số Tạo lập và biên tập nội dung số. Chuyển đổi, kết hợp thông tin và nội dung số vào vốn tri thức sẵn có. Hiểu rõ về hệ thống giấy phép và bản quyền liên quan đến quá trình sáng tạo nội dung số.
6 Học tập và phát triển kỹ năng số Nhận diện được các cơ hội và thách thức trong môi trường học tập trực tuyến. Hiểu được nhu cầu và sở thích cá nhân với tư cách là người học tập trong môi trường số. Thúc đẩy truy cập mở và chia sẻ thông tin. Ý thức được tầm quan trọng của việc học tập suốt đời đối với sự phát triển cá nhân.
7 Sử dụng năng lực số cho nghề nghiệp Vận hành các công nghệ số trong các bối cảnh nghề nghiệp đặc thù. Hiểu, phân tích và đánh giá dữ liệu, thông tin và nội dung số đặc thù trong hoạt động nghề nghiệp. Thực hành đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong môi trường số.

 

Với các chương trình đào tạo, hội thảo chuyên sâu của mình, Việt Hội nhập hướng tới trang bị cho học viên và các bạn trẻ 7 năng lực thiết yếu này, qua đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, đi tới thành công của các bạn trẻ.

Chú thích

[1]  L. Pangrazio (2019), Young People’ s literacies in the digital age continuities, conflicts and contradictions.

[2] J. Change and P. Huynh (2016), ASEAN in transformation – The future of jobs at risk of automation, Bureau for Employers’ Activities.