Bí Quyết Xây Dựng Chiến Lược CSR Thành Công

Kinh doanh tạo tác động xã hội đã, đang và sẽ là đích đến cuối cùng của các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Bởi vậy, theo đuổi các giá trị CSR là một trong những mục tiêu được quan tâm hàng đầu của nhiều công ty, tập đoàn lớn hiện nay.

Vậy chiến lược CSR là gì, làm cách nào để xây dựng được chiến lược CSR hiệu quả cho doanh nghiệp? Tầm quan trọng của những chiến lược này ra sao? Hãy cùng tìm câu trả lời trong bài viết này của Việt Hội Nhập nhé!

Chiến lược CSR là gì?

Hiểu theo nghĩa đơn giản, chiến lược CSR là toàn bộ kế hoạch của doanh nghiệp được xây dựng nhằm triển khai các hoạt động vì xã hội, trao đi các giá trị tích cực cho cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống. 

Một chiến lược CSR có thể giải quyết một hoặc nhiều vấn đề của xã hội như: ô nhiễm môi trường, thất nghiệp, chất lượng cơ sở vật chất suy giảm, …

Chiến lược CSR hiệu quả có ý nghĩa quan trọng như thế nào?

Doanh nghiệp với chiến lược CSR hiệu quả sẽ có cơ hội củng cố và tăng cường hình ảnh thương hiệu với công chúng. Bên cạnh đó, đây là chiến lược kinh doanh giúp các công ty, tập đoàn theo đuổi lợi nhuận dài hạn với những lợi ích sau: 

Ý nghĩa của chiến lược CSR hiệu quả
Ý nghĩa của chiến lược CSR hiệu quả

Tăng khả năng giữ chân khách hàng

Theo các khảo sát và nghiên cứu trên thế giới, rất nhiều khách hàng sẵn sàng lựa chọn những sản phẩm, dịch vụ có thông điệp tích cực, phương pháp sản xuất an toàn và các tiêu chuẩn kinh doanh đạo đức, thậm chí trong trường hợp phải trả số tiền cao hơn. 

Bởi vậy, một doanh nghiệp với danh tiếng tốt và đóng góp tích cực cho cộng đồng sẽ có cơ hội giữ chân khách hàng lâu hơn cũng như tăng tỷ lệ chuyển đổi khách hàng tiềm năng thành khách hàng thân thiết.

Tăng lợi thế cạnh tranh

Khi nhận được sự tin tưởng của đông đảo khách hàng, doanh nghiệp từng bước xây dựng vị thế không thể thay thế trên thị trường. Từ sự uy tín và danh tiếng hàng đầu, tổ chức dễ dàng vượt qua những đối thủ khác để mở rộng quy mô, xâm chiếm thị phần và gia tăng lợi nhuận.

Thu hút vốn đầu tư

Nhà đầu tư luôn quan tâm đến mục đích sinh lời khi rót vốn cho doanh nghiệp. Vì thế, với sự uy tín và vị thế tốt trong thị trường mục tiêu, doanh nghiệp thực hiện thành công chiến lược CSR sẽ có cơ hội hợp tác với nhiều nhà đầu tư và thuận lợi mở rộng nguồn vốn của mình.

Cải thiện chất lượng tuyển dụng

Nhân lực được coi là yếu tố nòng cốt của một công ty. Một công ty với những chính sách rõ ràng, chuẩn mực và mục tiêu phát triển cụ thể sẽ thu hút lượng ứng viên chất lượng cao. Cũng như vậy, khi doanh nghiệp có chiến lược CSR hiệu quả, người lao động sẽ cảm thấy tự hào, tin tưởng tổ chức và sẵn sàng cống hiến hết mình vì những mục tiêu xã hội mà tổ chức hướng đến.

Tối ưu hóa nguồn lực nội bộ 

Để có thể thực hiện được các hoạt động của chiến dịch CSR, doanh nghiệp cần đầu tư thời gian, tài chính và nhân lực nhất định nhằm đạt được kết quả như mong đợi. 

Với các tập đoàn lớn, họ thể tận dụng ngân sách nội bộ để tạo ra giá trị cho xã hội, giải quyết vấn đề mà cộng đồng gặp phải. Còn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đây chính là lúc họ thể hiện sự linh hoạt và tận dụng các mối quan hệ hợp tác để thực hiện CSR bằng nhiều hình thức khác nhau.

Bí quyết nào để xây dựng thành công chiến lược CSR hiệu quả ?

Muốn xây dựng một chiến lược CSR tốt, nhà quản trị doanh nghiệp cần hiểu một cách chi tiết về các chiến lược hoạt động cũng như sứ mệnh, tầm nhìn mà tổ chức theo đuổi. Tuy vậy, vẫn có những bước cơ bản để giúp cho các nhà quản trị định hướng một chiến lược rõ ràng trên hành trình thực hiện trách nhiệm xã hội của mình. 

Xác định chính xác Mission-driven

Mission-driven là cụm từ để chỉ sứ mệnh của công ty trong việc hướng đến các giá trị cộng đồng. Bản thân nhà quản trị doanh nghiệp cần hiểu chính xác về sứ mệnh của họ, từ đó, cân bằng được sứ mệnh với những lợi ích của bản thân doanh nghiệp và các bên liên quan. Làm tốt được điều này, doanh nghiệp sẽ có hướng đi đúng đắn cho những chiến lược về trách nhiệm xã hội, vừa đạt lợi ích kinh tế, vừa tạo giá trị cộng đồng.

Tìm hiểu về lợi ích và mục đích của hoạt động CSR

Có rất nhiều hình thức để doanh nghiệp làm tròn trách nhiệm xã hội của mình. Và cũng tương tự vậy, các hoạt động CSR mang lại rất nhiều lợi ích. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải nắm bắt được những lợi ích nào là phù hợp với sứ mệnh, tầm nhìn của tổ chức, đặt đó làm mục tiêu và làm căn cứ lên kế hoạch thực thi cụ thể. 

Có nhiều mục tiêu, lợi ích của CSR mà doanh nghiệp có thể theo đuổi như: tăng khả năng cạnh tranh, xử lý khủng hoảng truyền thông, mở rộng phạm vi hoạt động,…  

Xác định và phân tích đối tượng của chiến dịch 

Tùy từng chiến dịch mà đối tượng hướng đến sẽ có những đặc tính riêng cần được đào sâu. Chẳng hạn với đối tượng là khách hàng mục tiêu tại một thị trường xác định, doanh nghiệp cần tìm hiểu các yếu tố như nhân khẩu học, tâm lý học, hành vi mua hàng… để hiểu được nhiều nhất có thể “hộp đen” của họ.

Giữa những sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường, khách hàng mong muốn doanh nghiệp phải thể hiện nhiều trách nhiệm xã hội hơn nữa với những hành động cụ thể, trao quyền chủ động phát triển cộng đồng cho khách hàng.

Lên kế hoạch chi tiết chuỗi hoạt động CSR

Sau khi đã tổng hợp đủ các dữ liệu kể trên, bộ phân xây dựng chiến lược CSR cần lập kế hoạch chi tiết những chiến dịch mà tổ chức sẽ làm hoặc hợp tác thực hiện cùng các đơn vị khác. Bản kế hoạch được đánh giá cao nếu như bao gồm các yếu tố:

Tính xác thực

Authenticity (tính xác thực) được xem là yếu tố then chốt trong một chiến dịch CSR thành công, doanh nghiệp cần phải xác định giá trị thương hiệu của mình đang đóng vai trò gì trong việc xây dựng cộng đồng và phát triển xã hội.  Từ đó, doanh nghiệp nghiên cứu và tiến hành cải tiến sản phẩm, quy trình theo hướng CSR hoặc hợp tác trong các chiến dịch từ thiện…

Tính kịp thời và linh hoạt

Một điều cũng rất quan trọng là doanh nghiệp phải luôn cởi mở với những thay đổi bất ngờ trong kế hoạch và linh hoạt thích ứng. Với các hoạt động CSR, do tính chất nhạy cảm và có tác động không nhỏ tới công chúng, việc có đội ngũ nhân sự chất lượng cao trong việc quản trị rủi ro là vô cùng cần thiết.

Trải nghiệm khách hàng

Đưa khách hàng trở thành một phần của CSR là một hướng đi thông minh dành cho doanh nghiệp thông qua các cấp độ như:

  • CSR 1.0 – từ thiện: Các hoạt động từ thiện dựa trên ngân sách doanh nghiệp, dưới dạng tiền mặt hoặc vật chất
  • CSR 2.0 – tạo ra trải nghiệm: Khách hàng đồng hành cùng doanh nghiệp trong các chuyến đi từ thiện.
  • CSR 3.0-  thúc đẩy sự gắn kết: Doanh nghiệp có thể tổ chức những buổi giao lưu, chia sẻ, tập huấn tạo dựng cộng đồng 
  • CSR 4.0 – trao quyền:  Doanh nghiệp thúc đẩy người tiêu dùng tương tác và tự nguyện trở thành một phần trong câu chuyện CSR

Sự phù hợp với nguồn lực nội bộ

Để các chiến dịch có thể chạy thực tế trơn tru, việc nghiên cứu và phân bổ các nguồn lực của doanh nghiệp đóng vai trò then chốt trong bản kế hoạch. Các yếu tố mà doanh nghiệp cần cân nhắc liên quan đến nội bộ có thể kể đến như: tài chính, nhân sự, cơ sở vật chất… 

Đánh giá kết quả chiến dịch

Sau khi đưa kế hoạch vào thực hiện, doanh nghiệp cần nghiệm thu kết quả, đánh giá và so sánh với những tiêu chí đã đề ra. Điều này đòi hỏi bản thân doanh nghiệp cũng cần có bộ tiêu chí đánh giá đầu ra của chiến lược CSR mà mình thực hiện hoặc hợp tác với tổ chức khác.

Như vậy, để sở hữu một chiến lược CSR hiệu quả, các doanh nghiệp cần thực sự nghiêm túc và đầu tư cho mục tiêu xã hội mà mình đề ra. Thông qua chiến lược về trách nhiệm xã hội, doanh nghiệp sẽ từng bước đạt được sự phát triển bền vững, chiếm được lòng tin của đông đảo khách hàng.  Chính vì vậy, dù hoạt động trong lĩnh vực nào, các công ty, tập đoàn cũng cần quan tâm thiết lập kế hoạch CSR ngay từ hôm nay.

VHN Tổng Hợp