Giải Pháp Việc Làm Cho Người Khuyết Tật Tại Việt Nam Hiện Nay

Vấn đề việc làm với người lao động luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của chính phủ các nước. Tại Việt Nam, cùng với quá trình đổi mới đất nước, nhiều giải pháp tạo việc làm cho người lao động đã được các cấp, các ngành xem xét và đề xuất nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định chính trị – xã hội. Đặc biệt, với nhóm người khuyết tật, các giải pháp tạo công ăn việc làm lại càng được chú trọng hơn trong những năm gần đây.

 

Số liệu thực tế

Theo kết quả điều tra người khuyết tật của Tổng cục thống kê, ở nước ta, có 8,67% dân số trên 18 tuổi là người khuyết tật. 

Tuy nhiên, chỉ gần  ⅓ số người khuyết tật trên 15 tuổi có việc làm (31,7%), nhỏ hơn 2,5 lần so với người không khuyết tật.

Con số này đã phản ánh thực trạng thiếu việc làm cho người khuyết tật – đối tượng nhạy cảm và cần nhiều sự quan tâm từ phía xã hội. Trong những năm gần đây, nhà nước và toàn cộng đồng đã có những chuyển biến nhìn chung tích cực để cải thiện tình hình này.

Giải pháp từ các bên

Nhận thức được tính cấp thiết của việc giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động khuyết tật, Nhà nước, các tổ chức xã hội và nhiều doanh nghiệp đã đưa nhiều sáng kiến, giải pháp khắc phục. Các giải pháp này đã và đang có tác động tương đối hiệu quả tới vấn đề cơ hội việc làm cho những người yếu thế này.

Hỗ trợ từ phía nhà nước

Nhà nước ta đã ban hành rất nhiều chính sách để tạo điều kiện cho người khuyết tật tiếp cận cơ hội việc làm trong thị trường lao động hiện nay. Điển hình như 6 chính sách theo quy định tại Điều 33 Luật Người khuyết tật 2010. Theo đó, các nội dung tiêu biểu như:

Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không được từ chối tuyển dụng người khuyết tật có đủ tiêu chuẩn tuyển dụng vào làm việc hoặc đặt ra tiêu chuẩn tuyển dụng trái quy định của pháp luật nhằm hạn chế cơ hội làm việc của người khuyết tật.

Những người khuyết tật tự tạo việc làm hoặc hộ gia đình tạo việc làm cho người khuyết tật sẽ được vay vốn với mức lãi suất ưu đãi.

Bên cạnh đó, từ năm 2012 đến nay, Chính phủ đã bố trí ngân sách khoảng gần 10 tỷ đồng mỗi năm để hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho khoảng 19 nghìn người khuyết tật. Mức hỗ trợ dạy nghề của Nhà nước cũng đã điều chỉnh cao hơn.

Các chính sách của doanh nghiệp

Cùng với sự nở rộ của mô hình kinh doanh tạo tác động xã hội, các doanh nghiệp đã cởi mở hơn với việc tuyển nhân viên là người khuyết tật mà đáp ứng đủ các tiêu chí tuyển dụng. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp xã hội ra đời, với mục tiêu hỗ trợ những người khuyết tật có cơ hội được làm việc để có thu nhập cá nhân. Những doanh nghiệp xã hội này triển khai các dự án, chương trình nhằm trang bị kiến thức kĩ năng cho người khuyết tật hoặc tuyển dụng 100% nhân công khuyết tật nhằm giải quyết vấn đề lao động – việc làm cho đối tượng này. 

Tuy nhiên, do yếu tố về thể lực nên việc tạo môi trường làm việc phù hợp với người lao động thuộc nhóm này còn không ít khó khăn với các nhà quản trị doanh nghiệp. 

Hoạt động của các cơ sở đào tạo nghề & trung tâm dịch vụ việc làm

Nhằm tạo cơ sở để người khuyết tật có đủ điều kiện ứng tuyển vào các công ty, xí nghiệp, nhà máy, các cơ sở đào tạo nghề ra đời với mục tiêu trang bị cho những người khuyết tật các kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cần thiết. Bình quân mỗi năm các trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước hỗ trợ khoảng 20 nghìn lượt người khuyết tật học nghề, tỷ lệ có việc làm thành công đạt hơn 50%. Nhiều người khuyết tật được tập huấn nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, qua đó giúp họ vươn lên, thoát nghèo.

Tuy vậy, các tổ chức đào tạo này đang gặp không ít khó khăn về số lượng và chất lượng giáo viên, số lượng học viên đăng ký học cũng như việc duy trì và đảm bảo học viên đầu ra có việc làm.

Nhiều trung tâm dịch vụ việc làm ra đời cũng đã phần nào giúp kết nối người khuyết tật với những việc làm phù hợp. Thông qua việc hợp tác với Hội người khuyết tật, các tổ chức cộng động người yếu thế, nhiều hội chợ việc làm được mở ra đã giúp người khuyết tật chủ động có việc làm, tiếp cận thông tin đầy đủ, chính xác, đáng tin cậy của các đơn vị tuyển dụng lao động.

Bản thân người lao động khuyết tật

Bên cạnh sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các đơn vị, tổ chức, bản thân người khuyết tật nên tự trau dồi những kiến thức xã hội, kỹ năng mềm cũng như kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp cho mình. Việc chủ động tham gia các khóa học ngắn hạn để tăng cường vốn hiểu biết cá nhân là một trong những giải pháp hữu ích để người khuyết tật tự tin bước vào thị trường lao động. 

Bên cạnh đó, hiện nay có rất nhiều cộng đồng kết nối những người khuyết tật với nhau, đây cũng là nơi lý tưởng để người khuyết tật sinh hoạt cộng đồng, tăng cường sự kết nối xã hội và tìm đến cơ hội việc làm mong muốn. Người khuyết tật cũng có thể dễ dàng tìm kiếm các doanh nghiệp xã hội – các tổ chức đã và đang tạo điều kiện cho người lao động khuyết tật được học tập, nâng cao tay nghề để hòa nhập với cộng đồng.

Việt Hội Nhập và chiến dịch Hoa hướng dương hỗ trợ người khuyết tật

 Là một doanh nghiệp xã hội hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, công ty Việt Hội phát động Chiến dịch Hoa Hướng dương 01 trong thời gian từ tháng 7 tới tháng 12 năm 2023 với mục tiêu đào tạo kỹ năng nghề nghiệp và kết nối việc làm cho 30 người khuyết tật. Chiến dịch kêu gọi sự chung tay của các nhà tài trợ, các đối tác đồng hành trên hành trình gây quỹ 390 triệu đồng để thực hiện thành công chiến dịch này. 

Việt Hội Nhập rất hoan nghênh sự hợp tác từ Quý doanh nghiệp và tổ chức, mọi thông tin mời Quý đối tác, Quý doanh nghiệp liên hệ Hotline: 084 807 4586. Chúng tôi sẵn sàng cung cấp và chia sẻ những quyền lợi đến doanh nghiệp và cộng đồng nhằm mang lại sự hài lòng và phát triển bền vững cho tất cả các bên liên quan.