Qũy Hiếu Học Việt Hội Nhập tặng sách cho học sinh hiếu học tại vùng dân tộc thiểu số – Trường Trung cấp cộng đồng Hà Nội- Phân hiệu Lạng Sơn.
Hưởng ứng Ngày sách Việt Nam 21/4, đồng thời thực hiện sứ mệnh thu hẹp khoảng cách về cơ hội học tập, phát triển sự nghiệp giữa sinh viên, thanh niên và học sinh có hoàn cảnh khó khăn với các bạn có điều kiện tốt hơn, Quỹ Hiếu Học Việt Hội Nhập đã tặng cuốn sách truyền cảm hứng “Không có đỉnh quá cao” cho các em học sinh hiếu học là người dân tộc thiểu số tại Trường Trung cấp Cộng đồng (TCCĐ) Hà Nội – Phân hiệu Lạng Sơn.
Trường TCCĐ Hà Nội- Phân hiệu Lạng Sơn tại phường Vĩnh Trại, Thành phố Lạng Sơn hiện là nơi học tập của hàng trăm học sinh tại tỉnh Lạng Sơn và các tỉnh thành miền núi lân cận. Được đào tạo theo 12 chuyên ngành ở trình độ trung cấp, học sinh Trường TCCĐ Hà Nội- Phân hiệu Lạng Sơn được nhà trường cung cấp đầy đủ giáo trình chuyên môn phục vụ cho việc học tập. Tuy nhiên, cũng như nhiều trường học miền núi khác, sách vở tham khảo cho học sinh của nhà trường còn thiếu, và có khoảng cách rất lớn so với học sinh, sinh viên của các thành phố lớn.
Đây chính là lý do khiến Qũy Hiếu học thuộc Công ty Phát triển Nguồn Nhân lực Việt Hội Nhập quyết định tặng cuốn sách truyền cảm hứng “Không có đỉnh quá cao” cho các em học sinh hiếu học là người dân tộc thiểu số, còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển sự nghiệp và cuộc sống tại Trường Trung cấp cộng đồng (TCCĐ) Hà Nội – Phân hiệu Lạng Sơn với niềm hy vọng các em sẽ được truyền cảm hứng từ nhóm tác giả trong cuốn sách – dù có hoàn cảnh khó khăn cỡ nào – cũng vững chí vươn lên học tập, thành công và sống có ích cho gia đình, cộng đồng và xã hội.
“Không có đỉnh quá cao” là câu chuyện đi tìm thành công và hạnh phúc của 24 bạn trẻ từ những vùng sâu, vùng xa đi ra thế giới, cùng những chia sẻ quý giá của Giáo sư Phan Văn Trường được đúc kết từ chính sự nghiệp lớn lao của ông. 24 bạn trẻ đó đã trải qua quãng tuổi thơ gian khó, từng đi ‘chân đất’ khi còn nhỏ, từng lội sông để đến trường, có người đã phải tha phương cầu thực nơi đất khách, v.v. Nhưng, cuối cùng, họ đã vượt qua được tất cả khó khăn, không chỉ vươn lên, mà còn hòa nhập được với thế giới rộng lớn, tìm ra hạnh phúc, tìm ra thành công và quan trọng hơn là tìm ra chính mình.
Giáo sư Phan Văn Trường nhắn nhủ trong cuốn sách: “Các bạn trẻ hãy tự tin khi thấy mình khác mọi người, mọi người khác mình, vì chính sự khác biệt mới tạo nên giá trị thực…
… Hãy cứ chăm chỉ, đạo đức và tươi tắn thì vận may chẳng bao giờ vắng!
… Hãy tự tin mà tiến bước, vì chính sự tự tin cùng với nội lực và trí tuệ sẽ cho mình sức mạnh mà không chướng ngại nào có thể cản”.