Secret Of A Successful Career – GS Phan Van Truong

 

Việt Hội Nhập xin gửi đến bạn tóm tắt thông tin chia sẻ của GS Phan Văn Trường trong buổi tọa đàm “Chuẩn bị Sự nghiệp Thành công” được Việt Hội Nhập phối hợp với Hệ sinh thái Cấy Nền tổ chức.

Mọi người thường hay tìm kiếm những bí quyết thành công cao siêu, bản thân tôi ngày xưa cũng vậy. Nhưng thực tế những bí quyết này rất đơn giản”. Đây là những chia sẻ đầu tiên của GS Phan Văn Trường với những người tham dự.

Theo GS Trường, để có sự nghiệp thành công, thì cần có các điều kiện sau:

Điều kiện thứ nhất là phải yêu những gì mình làm. Đây là một trong những điều kiện cần phải có để thành công. GS Trường chia sẻ: “Khi làm việc với các nhân viên của mình, tôi nhận ra được ngay nhân viên nào yêu hay không yêu công việc của họ. Nếu một nhân viên có quan tâm duy nhất là cuối tháng có nhận được lương không, thì tôi thường không quan tâm. Tôi thích những nhân viên yêu công ty, yêu việc mình làm, thậm chí yêu cả đội ngũ lãnh đạo”. Nếu chưa tìm thấy thì phải tìm hiểu để tìm ra những nét đẹp trong công việc để mà yêu nó.

Điều kiện thứ hai là phải rèn luyện nề nếp và chơi theo luật chơi. Trong công ty có luật chơi, xã hội cũng có luật chơi, mỗi quốc gia cũng có một luật chơi. Khi không tuân theo luật chơi, cá nhân sẽ bị xã hội không tin tưởng và cho ra rìa.

GS Trường chỉ rõ: “Khi người ta giao việc, mình làm việc ôn tồn, nề nếp, đâu ra đó với tình yêu công ty, tình yêu dự án thì bạn sẽ được quý trọng. Khi đó thì nấc thang xã hội mới bắt đầu được mở ra”.

Vì vậy tôi nhấn mạnh bí quyết thành công với các bạn trẻ là hãy tôn trọng luật chơi, làm việc với tình yêu công việc, công ty, lãnh đạo. Tôi đã nói hàng triệu lần: nếu xã hội yêu mình thì mình không thể thất bại.

Thực tế nhiều người làm đủ mọi điều để người ta ghét mình: khoe khoang, giấu giếm. Nên muốn mọi người yêu mình thì đơn giản lắm: hãy thành thật, thành thật và thành thật. Nếu bị trách là sao thành thật thế thì cũng cứ mạnh dạn nhận: tính em nó thế. Thế là người ta sẽ yêu mình.

Người ta cũng yêu người khiêm tốn, biết đóng góp, tạo giá trị và chia sẻ. Hãy cứ làm tất cả một cách hồn nhiên. Vì hồn nhiên cũng giúp ích cho sự sáng tạo.”

Điều kiện thứ ba, đóng góp theo đúng sức mình, làm hết sức mình, và phải cho mọi người nhìn thấy sự cố gắng hết sức của mình. Làm tốt nhất có thể, không để một chi tiết nào sai lầm.

GS Trường chia sẻ: “Khi xưa tôi đưa (trình) một dự án lên là không còn một cái gì có thể thêm bớt nữa. Đây là vấn đề thái độ chứ không hẳn là kỹ năng.

Đừng sợ người chủ/ lãnh đạo không nhìn thấy mình. Họ nhìn thấy rất rõ đấy. Nhưng người ta muốn xem thái độ đấy của mình có bền vững trong nhiều tháng, nhiều năm không.

Hãy thách thức bản thân mình, yêu thương xã hội, tạo giá trị cho xã hội, sau đó con thuyền xã hội sẽ tự đưa mình đi.

Muốn thành công thì đừng nghĩ tới thành công, hãy cứ thách thức bản thân mình, làm những chuyện mình vui, cứ hồn nhiên, sau đó xã hội sẽ hướng dẫn mình đến chỗ mình có thể phát huy được nhiều giá trị nhất. Thế giới hiện có 8 tỉ người, bạn làm gì cũng có thể thành công hết”.

Để có thể nắm bắt được nhiều hơn nữa những chia sẻ quý giá của GS Phan Văn Trường trong hành trình xây dựng sự nghiệp thành công, mời bạn theo dõi đầy đủ nội dung tại ĐÂY

Box

GS Phan Văn Trường, người từng là cố vấn thường trực của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế từ thập niên 1990, đã 2 lần được Tổng thống Pháp phong Hiệp sĩ (Đài ghi công, năm 1990 và Bắc đẩu Bội tinh năm 2006). Tại Việt Nam, ông được Chủ tịch nước tặng Huy chương Vì Sự nghiệp Giáo dục vào năm 2010.

Giáo sư nổi tiếng là nhà thương thuyết, từng điều hành quản trị một số tập đoàn lớn trên thế giới với hợp đồng giá trị tới 60 tỉ USD. Ông là tác giả của những quyển sách giá trị, tái bản nhiều lần như: “Một đời thương thuyết”; “Một đời quản trị”, “Một đời như kẻ tìm đường”… Gần đây nhất, giáo sư cùng với một nhóm tác giả xuất bản cuốn “Không có đỉnh quá cao”.

Ông là giáo sư giảng dạy tại Trường đại học Paris 1 – Pathéon Sorbonne, Đại học Kiến trúc TP HCM, Đại học Quốc gia TP HCM.

Giáo sư đã khởi xướng hệ sinh thái Cấy Nền từ giữa năm 2019. Đến nay hệ sinh thái này đã kết nối và tương hỗ lẫn nhau trên nhiều khía cạnh. Triết lý sống của Giáo sư dựa trên 4 giá trị cốt lõi: “Bình đẳng – Hồn nhiên – Thẳng thắn – Tích cực”.

Trong cuộc sống con người cần tuyệt đối chân thành, tuyệt đối bình đẳng, tuyệt đối tích cực xây dựng để hướng tới việc các thành viên có thể gắn bó với nhau, quý mến nhau và luôn luôn sẵn lòng hỗ trợ nhau.